Ngọc
Lan Ma
Khoa là thầy giáo mới ra trường vừa được tuyển dụng về dạy ở
một ngôi trường nhỏ vùng ven thành phố.
Vì nhà xa, nên ngay ngày đầu tiên về nhận nhiệm sở, Khoa đã nhờ mấy
thầy hướng dẫn tìm mướn một căn nhà bởi trường không có cư xá dành cho
giáo viên.
Sau gần một buổi đi loanh quanh, Khoa vẫn chưa tìm được nơi ưng ý.
Bởi vì nơi nào Khoa hơi ưng ý căn nhà thì giá cả lại quá cao, đồng
lương giáo viên mới ra trường của Khoa không thể nào trang trải nổi.
Còn nơi giá cả phù hợp với túi tiền thì Khoa lại không thích do nơi đó
ồn ào, hỗn tạp.
Thấy Khoa ủ rũ ngồi chống tay lên cằm ngó mông ra xa, cô Thùy cười bảo:
- Nè, chị biết có một chỗ rất yên tĩnh, lại khá an ninh, chỗ đó người
dân cũng hiền lành nên có thể hợp với em, mà giá cả cũng tương đối rẻ,
có điều hơi xa một chút. Em liệu coi có thể ở được không?
Khoa mừng rỡ hỏi tới:
- Chỗ đó là ở đâu vậy chị? Cách đây bao xa?
Cô Thùy cười:
- Nếu em đi theo đường lớn hẳn hoi thì hơi xa, độ chừng bốn năm cây số
lận. Nhưng vừa rồi thành phố thực hiện giải tỏa khu nghĩa địa X, để làm
khu công xưởng, nhà máy gì đó. Em đi tắt qua lối đó thì gần lắm, chỉ
hơn một cây số thôi.
Khoa mừng rỡ:
- Vậy là được rồi! Chị ơi, vậy chút nữa em chở đi chị chỉ đường giùm em
nhé, em chưa biết đường đi ở địa phương này. Chị chỉ cho em đi đường
lớn và cả đường tắt luôn nghen chị?
- Ừ ngồi đó chờ đi, dạy xong tiết này chị sẽ đi với em!
Cô Thùy đứng lên xách cặp xuống lớp. Khoa ngồi một mình trong phòng
giáo viên mà nôn nao chờ kiếm được nơi ở mới cho mình.
Dạy xong tiết đó, Thùy dẫn Khoa đi tìm nhà trọ.
Bận đi, hai chị em đi theo đường lớn. Phải qua thật nhiều ngã tư, ngã
ba và nhiều ngã rẽ khác nữa mới tới được khu phố có căn nhà cho thuê mà
Thùy đề cập tới.
Thật tình Khoa đã hơi nao lòng khi thấy đoạn đường xa quá, như vậy mỗi
ngày anh phải mất nhiều thời gian để đi về, lại không thuận tiện. Vì
những khi trống một, hai tiết thì Khoa cũng không thể về nhà để soạn
bài hay nghỉ ngơi gì được.
Nhưng ngôi nhà thì thật lý tưởng.
Đây là nhà của một người bà con xa với bạn của Thùy. Nhà chỉ có một bà
cụ đã ngoài sáu mươi tuổi nên các con bà không yên tâm để bà sống một
mình, mới bàn nhau bán ngôi nhà và đón bà vào Sài Gòn để sinh sống.
Bà cụ quyết liệt phản đối việc bán nhà. Bà bảo nếu muốn bán thì chờ khi
bà chết đi rồi ai muốn làm sao thì làm, bây giờ bà còn sống, bà không
cho phép các con bán đi ngôi nhà chất chứa biết bao kỷ niệm vui buồn
của cả một đời bà.
Chiều theo bà cụ nên các con bà vẫn giữ nguyên ngôi nhà đó, và nhờ bạn
cô Thùy xem có ai đàng hoàng tử tế cần thì cho họ trọ với giá rẻ, để có
người ra vô cho cửa nhà ấm cúng khỏi hoang tàn.
Căn nhà thật rộng rãi, ngăn nắp và thoáng mát. Xung quanh có vườn cây
ăn trái bao bọc tỏa bóng mát quanh năm. Đây quả là nơi lý tưởng cho một
thầy giáo có nghề tay trái là viết sách như Khoa.
Mà giá cả lại vô cùng rẻ, còn rẻ hơn cả những phòng trọ phải ở chung
đụng bốn, năm người.
- Đã có nhiều người hỏi mướn, nhưng chủ nhà cho mướn không phải vì tiền
nên rất khó tính, họ không muốn những người không đàng hoàng ở trong
ngôi nhà của họ.
Cô Thùy nói.
Khoa lo lắng:
- Thế thì... lỡ họ cũng không chấp nhận cho em thuê thì sao chị?
Thùy cười tươi:
- Không đâu, em yên tâm đi! Miễn là em ở đây đừng bày nhậu nhẹt hay
những điều xằng bậy gì đó thôi, chứ chỉ cần nói em là thầy giáo thì họ
sẽ gật đầu ngay thôi. Nếu em chịu ở chỗ này thì lát nữa chị ghé nhà bạn
nói cho nó biết, nó sẽ điện vào Sài Gòn hỏi ý kiến chủ nhà. Kết quả ra
sao sáng mai chị sẽ cho em biết liền. À, tối nay hình như em về nghỉ
tạm ở nhà thầy Phong phải không?
Khoa gật đầu:
- Dạ, lúc nãy thầy Phong có dặn em, chưa tìm được chỗ trọ thì về ở nhà
thầy tạm ít hôm. Đồ đạc của em cũng đã đem về nhà thầy hết rồi.
- Ừ, vậy cũng tốt! Sao, em thấy chỗ này được không?
Cô Thùy nheo mắt nhìn Khoa hỏi.
Khoa cười tươi:
- Quá được rồi chứ còn đòi hỏi gì nữa chị... Chỉ có điều thiệt là hơi
xa...
Thùy cười cười:
- Chị hỏi thiệt, em có sợ ma không?
Khoa ngạc nhiên ngó cô Thùy rồi bật cười:
- Sao chị lại hỏi em câu đó? Em không biết sợ là gì đâu chị ơi!
Cô Thùy vỗ vai Khoa nói:
- "Vậy là được rồi! Đi theo chị, chuyến về mình đi theo đường tắt băng
ngang qua nghĩa địa sẽ rất gần mà! Lúc chưa giải tỏa, xung quanh nghĩa
địa được bao bọc bằng một tường rào ca o quá đầu người nên không ai có
thể đi tắt qua con đường bên kia được. Nhưng từ lúc thực hiện giải tỏa,
bức tường đã được đập bỏ đi rồi, mọi người tha hồ qua lại để thu ngắn
quãng đường. Do có nhiều người qua lại và các ngôi mộ cũng đã được bốc
lên di dời đi gần hết nên trong nghĩa địa hình thành một lối mòn rất
lớn. Nói là lối mòn thế thôi chứ thật sự đó cũng là một lối đi trải sỏi
sạch sẽ, chỉ do không được chăm sóc quan tâm nên lâu ngày nó thành ra
hoang phế, cỏ dại mọc đầy, khi người ta đi qua, cỏ bị dẫm đạp và lại
hiện ra cái lối đi lâu ngày nằm khuất lấp dưới lớp cỏ cao. Trong khu
đất rộng mênh mông đầy những hốc đất do các ngôi mộ đã di dời, còn lại
rải rác chừng vài chục mộ phần vẫn còn nằm trơ ra đó. Có lẽ đó là những
ngôi mộ vô chủ, hoặc thân nhân họ ở xa không hay tin và kịp thời về
lệnh bốc dỡ. Tất cả các ngôi mộ còn lại sẽ tiếp tục được giữ thêm một
thời gian nữa, nếu vẫn không có thân nhân thì nghe nói sẽ được san bằng
toàn bộ. Con đường mòn không thẳng một đường mà uốn éo lượn lờ qua lại
vòng sâu vào giữa khu nghĩa địa hoang tàn. Ở đây đi vào ban ngày thì
không có vấn đề gì, nhưng vào lúc đêm hôm thì hơi ngại đấy em. Vì khu
vực này hoàn toàn không có đèn đường, mồ mả lung tung, ai sợ ma thì sợ,
còn không sợ ma thì cũng sợ các thành phần bất hảo thường tụ tập lại
đây để xì ke, ma túy..."
Vừa đi cô Thùy vừa nói.
Khoa mỉm cười:
- Dạ, chị yên tâm đì, em nghĩ em sẽ không đi đâu vào ban đêm. Mà nếu lỡ
có đi đêm thì em sẽ chịu khó đi đường vòng cho an toàn vậy, chị nhé?
- Ừ, ừ…con trai còn trẻ mà biết lo xa vậy là tốt đó nghe em!
Chị Thùy vỗ vào lưng Khoa khen ngợi.
Trong lòng Khoa lúc này thật sự vui mừng. Vì con đường tắt này dài độ
chừng một cây số, rất tiện cho việc đi lại của Khoa mỗi ngày đến trường
học.
Khoa không sợ gì mồ mả, ma quái, có sợ chăng là sợ các tay quậy quạng
như chị Thùy vừa cảnh báo.
Thế là yên tâm rồi! Cầu trời cho chủ nhà bằng lòng để mình thuê căn nhà
đó, thật thích thú biết bao. Thời buổi này làm gì kiếm được một căn nhà
tiện nghi, thoải mái đến thế mà giá thuê lại rẻ như bèo? Mình quả là
may mắn!
- Chị Thùy ơi, chị ráng nói giúp giùm em với bạn chị nhe, em thích ngôi
nhà đó quá rồi,.. Khoa năn nỉ.
Cô Thùy cười:
- Biết rồi! Em yên tâm đi, bây giờ em có thể nắm chắc chín mươi phần
trăm rồi đó, vì chị với chị ấy là chỗ thân tình mà, em lại là đồng
nghiệp cùng trường với chị, làm sao mà chị ấy không vị tình được chứ?
Tối hôm đó, Khoa nghỉ tạm ở nhà thầy Phong mà lòng cứ nôn nao chờ sáng
để biết tin tức từ cô Thùy.
Vì vậy nên sáng hôm sau mặc dù không có giờ lên lớp, Khoa vẫn thay quần
áo tươm tất và vào trường thật sớm.
Cô Thùy vừa dựng xe, vừa cười toe toét nói với Khoa:
- Trưa nay em phải khao chị bữa cơm đó nhe! Bà chủ đồng ý rồi đó!
Khoa mừng rỡ:
- Vậy hả chị? Trời ơi, em mừng quá, có khao chị suốt cả tuần cũng đáng
mà! Trưa nay chị dạy xong là tiết mấy để em đón?
Cô Thùy cười.
- Nói giỡn chơi với em thôi chứ ai lại đòi một chú nhóc mới ra trường
chưa có được đồng lương nào dẫn đi ăn chứ? Thôi, chị ghi sổ để đó, chờ
đến lúc em nhận tháng lương đầu tiên đã.
Rồi như sực nhớ ra cô Thùy hỏi:
- Sáng nay em không có giờ dạy phải không? Vậy em có thể dọn tới đó ở
luôn được rồi đó! Để chị đưa chìa khóa cho em, bạn chị đã giao quyền
"giám sát" lại cho chị rồi nè!
Vừa nói cô Thùy vừa lục cập lấy đưa cho Khoa một chùm chìa khóa nhỏ và
nói:
- Em cứ tra thử chìa nào vừa thì mở, bạn chị cũng chẳng nhớ chìa nào
cửa nào đâu, tại lâu rồi nó cũng đâu có lên thăm.
- Em cảm ơn chị thật nhiều! Nếu không có chị, chắc hôm nay em phải dọn
tới cái xóm lao động ồn ào phức tạp đằng kia để ở rồi quá, vì chỉ có
nơi đó là giá thuê tương đối thấp, còn các chỗ khác thì, hì hì... đồng
lương của em không thể nào với tới nổi!
Khoa nhìn lấy chìa khóa, nhìn cô Thùy với vẻ biết ơn chân thành.
Cô Thúy trừng mắt:
- Không được nói chuyện ơn huệ gì nữa nghe không? Mình là đồng nghiệp,
là chị em có gì giúp được thì giúp lẫn nhau thôi, em không nên nói
thế...
Thùng... thùng... thùng!
Tiếng trống vang lên báo hiệu giờ học bắt đầu. Cô Thùy vội vã xách cặp
đi xuống lớp:
- Chị đi dạy nhe, em coi dọn đồ đạc rồi nghỉ ngơi cho khỏe. Mai bắt đầu
dạy rồi phải không?
Khoa gật đầu và đứng nhìn theo cái dáng vẻ vội vàng của người chị mới
quen nhưng thật gần gũi và đáng kính.
Sau khi xin phép vợ chồng thầy Phong, Khoa vác chiếc va ly to đùng để
lên xe rồi rồ ga chạy một mạch về hướng nghĩa trang, đi tắt về nơi sẽ ở
trọ.
Buổi sáng, không khí nơi này thật trong lành, mặc dù nó là nghĩa trang,
nó vừa bị đào xới lên để người ta dời mộ, nhưng Khoa vẫn cảm giác được
sự tinh khiết trong lành của những giọt nắng sớm đang chan hòa khắp lối
đi.
Tiếng chim hót líu lo trên ngọn cây khiến lòng Khoa bất chợt nghe cảm
xúc dâng trào...
Vừa chạy xe, Khoa vừa đưa mắt nhìn lướt khắp nơi và hình dung ra quang
cảnh lúc nơi này còn là nghĩa trang. Các ngôi mộ nằm san sát vào nhau,
cái cao cái thấp, lô nhô như nhà cửa của người sống ở các thành phố
lớn. Bất chợt, Khoa nhớ lại bài thơ của một người bạn văn nghệ viết
trong một chiều ở nghĩa địa mà có lần tình cờ đọc được Khoa đã cười
ngất trêu chọc bạn, nhưng rồi ngay sau đó Khoa cảm nhận được nỗi xót
xa, cay đắng trong từng câu chữ, cảm nhận được nỗi niềm day dứt của
thân phận một con người...
Bài thơ đó, dù đã mấy năm rồi nhưng hôm nay bất chợt trong khung cảnh
này Khoa lại nhớ thật rõ.
Khoa lẩm nhẩm đọc một mình:
Mấy dòng viết lúc lên cơn điên…
Người ta buồn, người ta đi shopping
Chiều nay em buồn em lang thang vào nghĩa địa
Xót xa nhìn từng ngôi mộ
Chen chúc mọc bên nhau…
Có những ngôi mộ đắp cao
Và những ngôi thấp lè tè bên dưới
Ừ, nơi đây cũng giống ngoài xã hội
Nhìn thoáng qua là phân định giàu nghèo...
Em ngồi xuống bên ngôi mộ eo xèo
Úa vàng lá cỏ
Không mộ bia, không chăm chút vun bồi
Đất sạt lở rồi
Người ta sẽ gọi là mả lạng
Bỗng dưng em nghe lòng buồn vô hạn
Thương một hồn ma!
Gió thổi la đà
Trời chiều nắng tắt
Lòng em đắng chát
Bất chợt ùa về câu chuyện năm xưa
Em cười một mình
Thấy mình giống nàng Kiều
Thăm mả Đạm Tiên trong chiều tảo mộ
Ha ha ha...
Ha ha ha…
Tiếng cười chạy dài, luồn qua từng ngôi mộ
Cúi mặt xuống vũng nước kế bên
Em thấy mình ngồ ngộ
Điên điên…
Ơi nàng Đạm Tiên
Ơi nàng Kiều tài sắc
Em - một kẻ đời nhiều bất trắc
Đâu được như Kiều, trôi nổi vẫn được yêu thương!
Tiếc chiều này không mang theo đèn, hương
Để thắp lên sưởi ấm những vong hồn lây lất
Trời mưa lất phất
Mấy đứa trẻ ngoài kia đứng nhìn, chỉ trỏ
Chắc chúng ngỡ mình cũng là một hồn ma?
Ha ha ha...
Ha ha ha…
Khi mất lòng tin vào con người
Em lại muốn tin ma
Bởi em nghĩ
Người chết rồi đâu muốn lấn xô nhau,
Chỉ người sống mới tranh giành, lấn lướt
Những ngôi mộ cái cao, cái thấp
Cái khang trang, cái đất cỏ um tùm…
Ừ mai này... ta cũng thế là xong!!!!
Đọc hết bài thơ, Khoa chép miệng:
- Cho tới lúc này mình mới hiểu được tại sao cô ấy lại có thể có cảm
xúc để làm thơ về một khu nghĩa địa... Ha ha… Có lẽ, một chiều nào đó
thảnh thơi, mình cũng sẽ lang thang ra đây để tìm ý tưởng viết một cuốn
tiểu thuyết với tiêu đề "Truyện không đọc lúc nửa đêm" Ha ha ha...
Vừa nghĩ, Khoa vừa cho xe chạy tà tà luồn lách qua từng ngôi mộ, và
chẳng mấy chốc đã qua hết khu nghĩa trang, ngôi nhà Khoa trọ đã hiện ra
ở khúc đường bên kia.
Tự nhiên trong lòng Khoa cảm thấy lâng lâng vui sướng như người đã xa
lâu ngày mới được trở về với ngôi nhà thời thơ ấu ngập tràn kỷ niệm của
mình vậy!
Ngôi nhà tuy bỏ hoang đã lâu nhưng trên trần cũng không có mấy màng
nhện, vì như cô Thùy có nói sơ qua là mỗi tháng đều có người được thuê
đến quét dọn một lần.
Tuy vậy, Khoa cũng đã bỏ ra già buổi sáng mới dọn dẹp và lau chùi xong
nhà cửa. Vì tất cả đồ đạc trong nhà đều bị một lớp bụi mỏng vương vương.
Khoa lục lọi đồ đạc và thích thú khi thấy mình khỏi phải tốn tiền mua
bất kỳ thứ gì nữa. Cô Thùy đã bảo mình được toàn quyền sử dụng đồ đạc
trong nhà mà!
Khi mọi thứ trong nhà đã sạch sẽ tinh tươm tươm đâu vào đấy, Khoa mới
sực nhớ từ sáng đến tận lúc này vẫn chưa ăn gì ngoài ly cà phê đá uống
với thầy Phong hồi sáng sớm.
Vừa nhớ tới cái đói là thấy cồn cào cả gan ruột. Khoa vội vã đóng cửa,
xách xe chạy vù ra một quán cơm gần đó ăn vội bữa trưa rồi về nhà lăn
ra ngủ một giấc đến tận bốn giờ chiều