Đồng
Xu Nhuốm Máu
Phần
1
Tỉ ôm đầu lảo đảo chạy vào con hẻm sâu hun hút. Hắn cứ cắm
đầu cắm cổ mà chạy như bị ma đuổi phía sau lưng, chạy không cần định
hướng. Vừa chạy vừa thở hồng hộc.
Một đám đàn bà, trẻ con đang ngồi túm tụm bên đường nói cười rôm rả,
thấy bộ dạng điên cuồng của hắn chạy tới, tất cả đều dạt ra nhường
đường cho Tỉ, không ai dại gì lại đi dây vào một đứa đang có vấn đề.
ghé thăm thehe9x.wap.sh để đọc thêm nhiều truyện
nhé!
Người dân ở đó cũng không biết Tỉ là ai, nhưng
nhìn thoáng qua cũng đoán được đó là một kẻ thuộc thành phần bất hảo,
không phải người lương thiện đàng hoàng!
Tỉ cóc cần biết mọi người nghĩ sao về hắn. Hắn chỉ muốn trốn thoát,
trốn thoát điều gì thì ngay cả bản thân hắn cũng không biết!
Hắn chỉ biết hắn cần phải chạy thật xa, phải làm một cái gì đó để xua
tan những cảm xúc dữ dội đang trào ứ trong hắn.
Con hẻm ngoằn ngoèo uốn khúc như một con rắn khổng lồ cuối cùng đâm ra
một bãi rác lớn. Nơi đó người ta vứt tất cả những thứ rác rưởi và chất
thải của cả cái thị xã này. Mùi xú uế nồng nặc bốc lên làm Tỉ bất giác
muốn nôn ọe.
Hắn giựt lùi muốn quay trở lại, nhưng không biết ma quỉ xui khiến gì tự
nhiên hắn lại xăm xăm tiến về phía cuối bãi rác chỗ có những chiếc ống
cống bằng xi măng đang nằm lăn lóc chờ ngày các cơ quan chức năng đưa
chúng về đúng vị trí.
Ở phía đó ngược chiều gió, đồng thời cũng phía cuối của bãi nên hầu như
chỉ toàn là rác cũ, lâu năm, mùi hôi thối cũng không nồng nặc như ở chỗ
lúc nãy.
Tỉ bước chậm lại, hai tay buông thõng xuôi theo người một cách chán
chường, mệt mỏi.
Trong lòng Tỉ giờ đây ngổn ngang biết bao nỗi lo âu sợ hãi.
Tỉ đã thua đến đồng bạc cuối cùng! Không những thế, cả giấy tờ nhà đất
Tỉ cũng thế chấp mất rồi, cộng thêm tờ giấy nợ một trăm triệu kia
nữa... Biết làm sao bây giờ? Chỉ còn mỗi một cách là chết đi mà thôi!
Nhưng nếu Tỉ chết đi thì mẹ và vợ con Tỉ sẽ sống sao đây? Căn nhà nhỏ
và mảnh đất bé xíu mà lâu nay vợ Tỉ vẫn chăn nuôi và trồng mấy liếp rau
liếp cải ấy sẽ bị chủ nợ xiết đi, mẹ và vợ con Tỉ sẽ phải lang thang
đầu đường xó chợ, không chốn nương thân...
Nhưng nếu Tỉ không chết thì sao? Nhà đất vẫn bị xiết, đồng thời chắc
chắn sẽ bị truy tố ra tòa vì số nợ một trăm triệu có giấy tờ cam kết
hẳn hoi kia.
Chết! Chết! Đúng rồi, chỉ có cái chết mới có thể giúp được Tỉ trong lúc
này...
Nhưng làm sao Tỉ đành lòng... Mẹ Tỉ già rồi cứ nay yếu mai đau, vợ Tỉ
lại sắp đến ngày sinh nở. Trời ơi... tại sao ông trời lại đẩy con vào
đường cùng thế này? Ông trời ơi, ông không thương con thì xin ông hãy
thương lấy mẹ và vợ con của con. Mẹ con đã khổ cả đời vì cha con rồi.
Còn vợ con, từ ngày về làm vợ con, cô ấy chưa một ngày được thảnh thơi
vui sướng. Nhưng cô ấy chưa khi nào hờn trách gì con mà vẫn vui vẻ chịu
đựng, san sẻ cùng con những thiếu thốn, khó khăn...
Con không có lỗi… chính vì con thương mẹ và vợ con con, con muốn họ
được sống sung sướng hơn, vì vậy con mới... và bây giờ con ra nông nỗi
thế này đây... hu hu hu...
Không nhấc chân lên nổi nữa, Tỉ ngồi thụp xuống, lưng tựa vào một ống
cống và khóc ngất lên từng hồi như có điều oan ức đớn đau lắm vậy.
Công bằng mà nói, Tỉ không phải là đứa bỏ đi. Hắn là một đứa con hiếu
thảo, là một người chồng biết yêu thương vợ. Nhưng có lẽ tại số phận
của hắn, tại cái kiếp người của hắn đã được đặt để vào khuôn khổ nghèo
hèn nên mặc dù hắn rất siêng năng làm lụng mà vẫn không khá lên được!
Từ lúc hơn mười tuổi hắn đã biết bưng thúng bánh đi dài theo các con
hẻm, cất tiếng rao lanh lảnh để giúp mẹ kiếm tiền lo bừa ăn hàng ngày
cho bốn miệng ăn: ba mẹ, hắn và đứa em gái út.
Ba hắn là một gã đàn ông nát rượu. Không ngày nào ông không uống, mà
không phải chỉ uống sương sương, nhâm nhi vui bạn vui bè... Ba hắn uống
như hũ chìm, uống đến say khướt quên trời, quên đất.
Hôm nào mẹ hắn không có tiền lo rượu cho ba hắn thì chắc chắn hôm đó bà
sẽ bị một trận đòn nhừ tử đến nỗi cười cũng không chịu được, hoặc là
chính mẹ hắn hoặc là hắn chạy tới quán bà Tư ở đầu đường mua chịu rượu
và một ít cá khô về làm mồi cho hắn thì mới có thể yên thân được.
Nhưng những hôm có rượu, có mồi thì cũng đau dễ được yên thân. Ba hắn
khi đã uống say thường đem những chuyện bực mình từ năm xửa năm xưa ra
dày vò mẹ hắn. Nếu mẹ hắn nín nhịn không cãi lại thì ba hắn bảo mẹ hắn
coi thường:
- Tao không đáng mặt nói chuyện với mày sao?
Còn nếu mẹ hắn không nín nhịn được, có lời đôi co qua lại thì lập tức
ba hắn hùng hổ:
- À... à, cái con này hỗn! Mày dám ăn nói tay đôi với chồng mày à? Tao
phải dạy cho mày một trận mày mới hiểu được câu "phu xướng phụ tùy"!
Những ngày thơ ấu của Tỉ là những ngày thấm đẫm nước mắt khổ đau của
người mẹ gầy gò khốn khổ.
Có lần Tỉ hỏi:
- Sao mẹ không bỏ phứt ổng đi, con thấy ba mẹ thằng Tam cũng bỏ nhau
có, có sao đâu? Không có cha như thằng Tam coi bộ còn sướng hơn...
Mẹ Tỉ khóc òa lên rồi ôm hắn vào lòng nói nhỏ:
- Con không được nói vậy! Mẹ con mình mang ơn ông ấy, dù khổ hơn nữa mẹ
cũng không thể nào bỏ ông ấy được, mẹ phải đền ơn ông ấy...
- Ơn gì hở mẹ?
Tỉ ngây thơ hỏi nhưng mẹ hắn lại gạt đi:
- Con còn nhỏ, con chưa hiểu, chưa biết được đâu. Hiện nay, con chỉ
biết nghe lời mẹ là đủ rồi! Dù ba con có thế nào đi nữa con vẫn phải
thương yêu và kính trọng ông ấy, con không được quyền nói xấu ông ấy,
nghe không? Bởi vì... với mẹ con mình, ông ấy là người đàn ông tốt nhất
trên đời!
Tỉ rất hậm hực khi nghe mẹ nói thế, nhưng vốn là một đứa ngoan, biết
nghe lời nên Tỉ cũng không dám hỏi nhiều. Nó miễn cưỡng yêu thương,
miễn cưỡng kính trọng người đàn ông luôn hành hạ mẹ nó.
Với Tỉ và em gái thì đỡ hơn, ông ấy hầu như không hề làm khó hai anh em
Tỉ. Đồ nhậu có món gì ngon, thấy anh em Tỉ đi ngang ông đều ngoắt lại:
- Ê... ê! Hai đứa bây vô đây ăn với tao nè… cái này ngon lắm nghe... ăn
đi, ăn đi cho mau lớn để mẹ mày nhờ...
Hầu như ông luôn luôn lặp lại câu đó mỗi khi gọi anh em Tỉ vào ăn cùng.
Ông cũng chưa hề đánh Tỉ dù chỉ là một roi phết nhẹ trên mông hay một
bạt tai khi tức giận. Tuy nhiên ông cũng chưa bao giờ tỏ ra yêu thương,
quyến luyến Tỉ.
Với em gái Tỉ thì khác. Có những lúc ông ôm con bé vào lòng, vuốt tóc
vuốt tay nó rồi cười khà khà đầy mãn nguyện:
- Con gái rượu của tao! Con gái vàng gái ngọc đây mà...
Không ít lần Tỉ thấy thắc mắc trong lòng, bởi vì hắn thấy ở những nhà
khác, người cha thường tự hào về con trai của mình hơn.
Mẹ Tỉ đã phải chịu đựng một người chồng như vậy hết năm này qua năm
khác. Cho đến một ngày, ba Tỉ nhậu say về ngang qua cây cầu nhỏ, do sơ
sẩy thế nào mà rơi tòm xuống dưới không ai hay, mãi đến sáng hôm sau đi
tìm khắp nơi không thấy, chỉ nghe một người bạn nhậu bảo:
- Chiều hôm qua anh ấy có tới đây uống rượu với tôi nhưng đã về lúc
chập tối!
Mẹ Tỉ hoảng lên, mếu máo kêu khóc, mọi người đổ xô đi tìm thì mới phát
hiện xác ông vướng dưới đám lục bình ớ khúc sông gần đó.
Sau đám tang ba, cuộc sống của mẹ con Tỉ dễ thở hơn rất nhiều, nhưng Tỉ
vẫn không hiểu sao mẹ Tỉ cũng vẫn không vui mà mặt mày cứ u sầu ủ dột.
Rồi một hôm, Tỉ được nghe mẹ kể cho nghe về bí mật đời mình, về lý do
tại sao bao nhiêu năm qua mẹ Tỉ vẫn một lòng yêu thương ba Tỉ dù đã bị
ông hành hạ không thương tiếc những khi say rượu.
Ngày đó, mẹ Tỉ là một cô gái quê nghèo khổ trôi dạt lên Sài Gòn tìm kế
sinh nhai. Vừa chân ướt chân ráo lên nơi thành thị, cô đã lọt ngay vào
tầm ngắm của một tên sở khanh.
Hắn tìm mọi cách để ve vãn, dụ dỗ cô, và hắn đã làm được điều đó không
mấy khó khăn đối với một cô gái thật thà và cứ tưởng xung quanh mình ai
cũng thật thà như thế!
Hắn hứa hẹn đủ điều, nhưng đến lúc cô gái báo tin mình đã mang thai thì
hắn cao chạy xa bay không một lời từ giã.
Một mình thân gái nơi xứ lạ quê người, không người thân, không tiền
bạc, cô làm sao tồn tại được? Còn trở về quê thì cô biết ăn nói sao đây
về cái bào thai đang lớn dần từng ngày trong bụng?
Khổ đau, tuyệt vọng, một đêm mưa gió đầy trời, cô gái đã tìm tới bên
sông vắng để quyên sinh.
Nhưng bất ngờ, cũng trong đêm đó có một chàng trai lang thang đi dưới
trời mưa trên đường vắng, tình cờ phát hiện cô gái định hủy mình.
Chàng trai đã kịp thời cứu cô thoát chết và nghe cô kể về hoàn cảnh của
mình.
Xót thương cho thân phận người con gái bơ vơ nơi đất lạ, người con trai
đã đứng ra nhận lấy trách nhiệm về mình.
Ngay sáng hôm sau, anh dắt cô gái về quê thưa chuyện với gia đình rằng:
- Con đã lỡ làm cho con gái người ta bụng mang dạ chửa, ba mẹ thương
con, thương cháu nội mà đừng trách phạt chúng con, cho phép chúng con
được thành vợ thành chồng ...
Ai nấy ngớ người la trước cái tin hệ trọng của cậu con trai cả, nhưng
sau đó cả nhà cũng mừng vui không kém vì sắp có cháu nội để bế bồng.
Thế là việc cưới xin được tiến hành ngay sau đó, tuy đơn sơ giản dị
nhưng đã cứu vớt được cuộc đời của cô gái và cả đứa bé chỉ mới là bào
thai.
Rồi khi đứa bé chào đời, người cha vẫn làm tròn bổn phận, không một
chút đối xử phân biệt hay hà khắc nào với nó. Lắm lúc nó nghịch phá
nhưng chưa bao giờ người cha vung roi đánh con lấy một lần.
Chính điều đó làm cho người mẹ cảm động và nguyện với lòng mình, suốt
đời này kiếp này mẹ con cô sẽ làm tất cả để đền đáp ân tình của người
đàn ông đó.
Nghe mẹ kể lại chuyện đời mình, Tỉ vô cùng hối hận vì đã có những lúc
cảm thấy ghét cha, thù cha, và cả đến khi ông ấy chết, tuy Tỉ cũng buồn
đau, cũng thương đấy, nhưng đâu đó bên cạnh vẫn là cảm giác được giải
thoát, không phải giải thoát cho bản thân mình, mà là giải thoát cho
người mẹ mà Tỉ luôn yêu thương, kính trọng.
Tỉ giúp mẹ làm đủ thứ việc để kiếm tiền nuôi em. Từ bán bánh bán khoai,
đến gánh nước, khiêng hàng,... thứ gì Tỉ cũng làm, miễn kiếm được ít
tiền đem về cho mẹ.
Mẹ Tỉ nhiều năm lao lực nên sức khỏe sa sút rất nhanh, bà không còn làm
được những việc nặng nhọc nữa, chỉ quanh quẩn ở nhà lo cơm nước vá, may
cho anh em Tỉ, đã vậy bà cứ nay đau mai yếu quặt quẹo rất thương tâm.
Những đồng tiền ít ỏi Tỉ kiếm được nếu chỉ để lo cho ba miệng ăn không
thôi thì còn tạm đủ, chứ thêm khoản thuốc thang cho mẹ thì Tỉ không sao
lo nổi.
Thế nên cuộc sống của ba mẹ con vẫn cứ đắp đổi qua ngày.
Năm hai mươi tuổi, trong một lần đi theo một ông thầu xây dựng làm một
công trình lớn tận Bình Dương, Tỉ tình cờ quen Lan, một cô gái nhỏ hơn
Tỉ hai tuổi, hiện đang làm công ở một lò gốm gần nơi công trình Tỉ đang
thi công.
Sau khi tìm hiểu, Tỉ biết được hoàn cảnh của Lan cũng bi đát không kém
gì mình.
Lan mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cô sống với vợ chồng người chú và thường
xuyên bị bạc đãi.
Lan phải làm việc và giữ em quần quật suốt ngày không được nghỉ tay,
vậy mà vẫn bị chú thím chửi là "thứ đồ ăn hại", là "tội báo oan gia".
Lớn lên một chút, Lan được thím giới thiệu vào làm ở đây, lương mỗi
tháng đều bị thím ứng trước gần hết, chỉ chừa lại cho Lan một số ít ỏi,
không đủ để cô ăn xôi mỗi sáng đi làm.
Nhưng dẫu sao Lan vẫn thích đi làm hơn. Đi làm thế này vừa có bạn bè để
trò chuyện, có những giây phút lặng lẽ một mình để thả cho tâm hồn
thiếu nữ mười tám tuổi được bay bổng với những ước mơ, và đi làm thế
này thì đỡ phải nghe những câu mắng chửi nặng nề vô lý... Chuyện không
có tiền trong người với Lan cũng đã trở nên quen thuộc rồi, bình thường
rồi nên cô cũng không cảm thấy buồn hay phẫn uất gì cả.
Tỉ và Lan quen nhau không lâu thì cả hai đã thật sự cảm mến và thương
yêu nhau vô hạn. Nhưng chuyện cưới xin đối với Tỉ lại là một vấn đề nan
giải.
Ngày mẹ Tỉ lặn lội lên Bình Dương tìm đến thưa chuyện với chú thím Lan,
bà trở về nhà với vẻ mặt ỉu xìu buồn tủi...
Chú thím Lan luôn miệng nói hai người đã nuôi dưỡng Lan từ hồi còn bé
nên coi cô như con gái ruột của mình, giờ gả cô đi lấy chồng, họ không
đòi hỏi gì nhiều, nhưng bắt buộc phía nhà trai phải lo đầy đủ các lễ
vật và cả nữ trang cho cô dâu, tiền đưa cho nhà gái... Chỉ một trong
những yêu cầu đó thôi cũng đủ làm mẹ con Tỉ xính vính rồi, có đâu tới
nữ trang, lễ lộc...
Tỉ thương Lan, hắn cũng muốn tổ chức một đám cưới thật rình rang, muốn
cô dâu của hắn phải là người đẹp nhất, lộng lẫy nhất trong ngày cưới,
nhưng khả năng kinh tế lại không cho phép hắn làm được một cái đám cưới
thật bình dân!
Lâu nay, Lan là cô gái nhu mì, ít nói, chú thím nói gì cũng im lặng
lắng nghe, và luôn làm đúng theo như thế. Nhưng riêng lần này cô quyết
liệt phản kháng.
Chú thím không cho phép Lan làm vợ một "thằng nghèo kiết xác", Lan
không cãi lại nhưng cô đã mạnh mẽ dắt tay Tỉ đi đăng ký kết hôn, không
cần tới sự chấp thuận của chú thím.
Lan về làm vợ Tỉ mà không có cả một bữa tiệc trà để hai họ chung vui.
Nhưng cô không hề buồn vì điều đó.
Tỉ yêu Lan, và còn biết ơn vì cô đã biết thương, biết thông cảm cho
hoàn cảnh của hắn. Mẹ Tỉ cũng hết lòng yêu quí con dâu.
Tử nhỏ Lan đã mất cha mẹ, Lan chưa được sống trong sự ấm cúng của một
gia đình, nên từ ngày về nhà Tỉ, được Tỉ, mẹ Tỉ và cô em gái thương yêu
quí mến, Lan cảm thấy sung sướng lắm, hạnh phúc lắm. Dẫu cho cuộc sống
có thiếu thốn, có vất vả hơn nữa Lan cũng bằng lòng.
Cưới nhau gần ba năm sau Lan mới có thai. Cả nhà Tỉ vui như mở hội. Ai
cũng náo nức chờ đón đứa bé ra đời.
Riêng Tỉ, từ ngày có vợ, hắn luôn dằn vặt về sự bất tài của mình. Giờ
thì hắn lại sắp có con, hạnh phúc nhân lên mà nỗi lo và vất vả cũng sẽ
nhân lên gấp bội.
Hết ngày này qua ngày khác, lúc nào trong đầu Tỉ cũng suy nghĩ, tìm
cách có thật nhiều tiền để lo lắng cho gia đình, cho tuổi già của mẹ
được an nhàn hưởng lạc, để vợ mình có được những ngày thật sự hạnh phúc
và để đứa bé sắp chào đời kia có được một cuộc sống đầy đủ không thua
kém ai.
Một lần tình cờ Tỉ gặp lại Thống - một người bạn từng đi làm cu li, thợ
hồ chung với Tỉ, nhưng hai người đã bặt tin nhau gần hai năm.
Gặp Thống, Tỉ thật ngỡ ngàng. Nếu Thống không chủ động gọi thì chắc Tỉ
sẽ cho là mình lầm, cho là người giống người thế thôi.
Thống bây giờ sang trọng như một ông chủ lớn. Giày da bóng lộn, áo quần
tươm tất, đầu tóc chải láng mướt và trên tay là chiếc cặp táp to đùng
mà Tỉ cứ thắc mắc không biết nó chứa cái gì trong đấy?
Thống, một đứa chưa biết mặt chữ, mở miệng ra là chửi thề, không biết
làm gì ngoài những việc nặng nề cần dùng đến cơ bắp. Thế thì hắn làm gì
mới hai năm mà phất lên ghê thế?
- Mày lúc này thế nào?
Thống đặt ly cà phê trước mặt Tỉ, hất hàm trịch thượng hỏi.
Tỉ lúng túng, không biết phải xưng hô thế nào cho phải. Mình lam lũ
nghèo hèn thế này mà nói chuyện xưng hô mày tao với một kẻ sang trọng
như Thông liệu có... kỳ không? Còn xưng hô tôi và anh thì Tỉ không quen
lắm.
Nhưng thôi, Thống đã chủ động thì mình còn gì phải ngại nữa chứ, nó
giàu sang mặc nó, mình cứ mày tao thỏa thích như lúc trước.
- Tao vẫn vậy thôi! Còn mày, dạo gần đây mày mất tích, làm gì mà coi bộ
đổi đời rồi vậy?
Tỉ đã lấy lại được tự nhiên.
Thống cười ha hả:
- Cuộc đời mà mậy, lên voi xuống chó có mấy hồi! Cũng nhờ trời thương,
tao gặp một cơ duyên mới được đổi đời thế này đây!
Tỉ nuốt nước bọt, tò mò hỏi:
- Cơ duyên gì thế? Mày có thể bày cho anh em kiếm sống không?
Nụ cười trên môi Thống vụt tắt, mặt sa sầm xuống, Thống nói nhỏ:
- Không được! Không phải tao ích kỷ gì với mày, nhưng đây là nguyên tắc
mà tao phải tuân theo, không thể tiết lộ được. Nhưng Tỉ ạ, đôi khi
nghèo khổ như tao với mày lúc trước mà còn hạnh phúc hơn đó! Mày đừng
nhìn bề ngoài của tao như vậy mà khát khao, buồn lắm mày ạ, tao đã phải
đánh đổi rất nhiều, rất nhiều đó...
Trong một thoáng, Tỉ nhận ra nét đau khổ cùng cực vụt hiện ra trên mặt
Thống. Nhưng lúc đó Tỉ không nghĩ nhiều tới việc ấy, Tỉ chỉ chửi thầm
trong bụng:
- Không muốn giúp anh em thì thôi, đừng bày đặt giở giọng đó ra chứ
bạn! Nghèo khổ như trước mà hạnh phúc hơn giàu sang lúc này sao? Vậy
sao không đánh đổi đi, sao không tiết lộ bí quyết cho tao đi? Hừ, chẳng
qua mày là đứa không muốn ai hơn mình...
Nghĩ thế nên Tỉ chỉ cười cười khi nghe Thống tỉ tê tâm sự rồi một lát
sau Tỉ tìm cớ chào Thống để ra về bỏ lại Thống một mình bên ly cà phê
với ngổn ngang tâm sự chưa kịp giải bày cho hết.
Một thời gian sau, Tỉ nghe người ta nói Thống bây giờ chuyên sống trong
các sòng bài. Nhờ các ván bài mà Thống giàu lên như vậy.
Một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu! Tỉ. Ừ sao mình không thử thời vận một
lần nhỉ?
Trước đây, những lúc rãnh rỗi Tỉ hay cùng đám bạn chơi bài, và hắn luôn
là người gặp nhiều vận đỏ nhất.
Tại sao lâu nay mình không biết thử, trời ơi, tiếc quá đi mất! Biết
đâu... biết đâu chỉ sau một vài ván, mình có đủ khả năng lo lắng cho
gia đình, trước mắt là lo cho vợ mình sinh nở được chu đáo.
Nghĩ là làm, ngay chiều hôm đó, Tỉ về nhà lén lấy hết số tiền mà lâu
nay hai vơ chồng tiện tặn dành dụm lo cho ngày Lan sinh con. Tuy số
tiền không nhiều, nhưng đó là toàn bộ gia tài của hai vợ chồng.
Khi cầm số tiền đó trong tay, trong lòng Tỉ cũng một thoáng run lên khi
nghĩ ngộ nhỡ mình thua cuộc...?
Nhưng Tỉ đã nhanh chóng gạt cái ý nghĩ xúi quẩy ấy ra khỏi đầu, chưa
vào cuộc đã nghĩ tới điều xui rủi là không được, phải nghĩ sau đêm nay
mình sẽ có rủng rỉnh tiền, để mua cho mẹ và vợ mình những chiếc áo đẹp,
những bữa ăn ngon, đầy đủ dưỡng chất...
Không đầy hai tiếng đồng hồ sau, Tỉ đã trắng tay! Toàn bộ số tiền dành
dụm đó đã bay vào túi người khác trong nỗi đắng cay cùng cực của Tỉ.
Thất thểu ra đường, Tỉ lang thang đi hoài mà không dám về nhà. Hắn sợ,
hắn không biết phải ăn nói sao với mẹ và vợ hắn.
Nếu biết mất số tiền đó, mẹ và vợ hắn sẽ phản ứng thế nào đây? Hắn biết
hai người đó sẽ không ai mắng chửi gì hắn đâu, nhưng hắn sợ nhìn thấy
những giọt nước mắt của mẹ, những giọt nước mắt mà từ sau ngày ba hắn
chết hình như nó chưa phải chảy ra lần nào nữa.
Hắn cũng rất sợ đôi mắt vợ hắn trĩu nặng âu lo sợ lắm ánh nhìn buồn
diệu vợi của vợ hắn.
Ông trời đang thử thách mình đây, ông trời không bao giờ đẩy mình vào
đường cùng đâu!
Vì nghĩ thế nên Tỉ đã nhắm mắt lún sâu vào hố thẳm...
Tỉ về nhà, ra vẻ bình thường như không có chuyện gì xảy ra, mẹ và vợ
hắn cũng chưa biết gì nên cả nhà vẫn vui vẻ.
Cơm nước xong, hắn xoa xoa vào cái bụng bầu to tướng của vợ, trìu mến
nói:
- Con ngoan, chỉ còn mấy ngày nữa thôi là con ra đời rồi! Ba mẹ và bà
nội mong con lắm đó, con có biết không? Thôi, con ở nhà ngoan, đừng
quãy đạp mẹ nhé, ba đi đằng này có chút việc!
Tỉ viện ra một lý do để đi. Mẹ và vợ hắn không hề biết, trong lưng áo
hắn là cuốn sổ đỏ của ngôi nhà và mảnh đất nhà cạnh bên - toàn bộ gia
tài của cả nhà đang nằm trong tay Tỉ.
Hắn tìm tới sòng bài, thế chấp tờ giấy đỏ và lại đem toàn bộ số tiền
đặt vào cuộc đỏ đen may rủi.
Lại thua!
Mồ hôi vã ra ướt đẫm cả mặt, Tỉ như một kẻ điên không còn làm chủ được
hành vi của mình nữa, Tỉ cứ ký vào giấy nợ để cầm một xấp tiền vào chơi
tiếp, rồi lại ký tiếp. Mãi đến lúc kẻ cho vay nhìn Tỉ rồi nhếch mép
cười mai mỉa:
- Cậu có biết từ nãy tới giờ cậu đã nợ tôi bao nhiêu rồi không? Này, mở
to mắt ra mà nhìn cho kỹ vào nhé cậu em? Một trăm triệu! Một trăm triệu
rồi đấy nhé? Cậu có khả năng trả cho tôi không mà còn đòi vay tiếp?
Tỉ chới với.
Trời ơi! Một trăm triệu! Một trăm triệu! Một số tiền mà cả trong mơ Tỉ
cũng chưa bao giờ dám mơ thấy thì làm gì ngoài đời thật Tỉ có khả năng
có nó trong tay mà trả nợ?
Lảo đảo té ngồi xuống nền gạch, Tỉ liên tiếp bị kẻ cho vay nện vào đầu,
cùng với lời xua đuổi:
- Cút mau ra khỏi đây! Cút mau mà về chạy tiền đem trả cho tao. Nếu ba
ngày sau mày không trả đủ tiền thì đừng có trách tao đấy nhé! Cả mày,
cả gia đình mày...
Hắn bỏ lửng câu hăm dọa và tung chân đá một cú thật mạnh vào người Tỉ
làm Tỉ lăn tròn mấy vòng ra tới cửa.
Đau đớn, nhục nhã và sợ hãi, Tỉ cứ ôm đầu và chạy như điên...
Giờ đây, ngồi một mình bên bãi rác hoang vu vắng lặng, Tỉ thấy cuộc đời
mình sao lại đi tới nông nỗi này? Mình đã làm gì gây ra tội lỗi? Mình
chỉ muốn cho mẹ và vợ con có được cuộc sống tốt đẹp hơn một chút thôi
mà, sao ông trời lại nỡ lòng xô đẩy mình tới bước đường cùng?
Chỉ còn khoảng một tuần nữa thôi là đứa bé chào đời! Đáng lẽ ra ngày đó
cả nhà Tỉ sẽ vui mừng náo nhiệt. Nhưng giờ đây... tất cả sẽ thế nào, Tỉ
không dám nghĩ tới nữa…
Đứa em gái đi lấy chồng hơn năm nay, gia cảnh bên chồng nó cũng không
khá giả, nó không thể cưu mang mẹ, chị dâu và đứa cháu sơ sinh được.
Rồi mẹ và vợ con Tỉ phải sống sao đây?
[trang
1] [trang
2]