Luật
Đời Vay Trả
Phần
3
Tin vợ chồng Khiêm ly hôn làm nhiều người bất ngờ, nhưng
Uyển vẫn bình thường, cô không tỏ vẻ gì buồn vui hay thắc mắc.
Người ta đồn ầm lên, nào là sống với Diễm mà Khiêm luôn nhớ tới Uyển
nên bị Diễm ghen tuông, nào là Diễm không chịu đựng nổi cái tính lười
biếng của Khiêm... vân vân và vân vân. Nhưng cái lý do chính yếu thì
không ai biết được. Bởi vì Diễm đã giấu kín chuyện này. Cô sợ mọi người
xa lánh cô và con gái, sợ mẹ con cô sẽ bị sống cô lập giữa cuộc đời.
Khiêm lại về sống với mẹ tại ngôi nhà của mình, hai mẹ con hạn chế tối
đa việc giao tiếp với mọi người xung quanh vì những mặc cảm bản thân và
cả vì chứng bệnh của Khiêm nữa, mặc dù không biết Khiêm mắc căn bệnh
khủng khiếp đó.
Khiêm thường xuyên vắng nhà một vài tuần, ban đầu người dân quanh đó
cũng thắc mắc, tò mò tìm hiểu nhưng lâu dần người ta cũng quen đi,
không ai còn hứng thú xoi mói nữa.
Thời gian cứ thế bình lặng trôi qua, Uyển chuẩn bị lấy chồng. Chồng
Uyển là một thầy giáo cấp hai, nhưng ngoài giờ dạy trên lớp anh rất
siêng năng làm thêm đủ mọi việc.
Mẹ Uyển mừng rơi nước mắt vì thấy cuối cùng rồi con gái mình cũng tìm
được một tấm chồng xứng đáng.
Với người thầy giáo này, mẹ Uyển đã vui vẻ bằng lòng ngay từ đầu, từ
lúc Uyển chưa thật sự có cảm tình.
Giữa lúc gia đình Uyển bận rộn chuẩn bị cho ngày cưới thì nhà của mẹ
con Khiêm chính thức bị giải tỏa.
Việc giải tỏa đã được chính quyền địa phương tiến hành từ mấy năm nay,
nhưng đây là thời điểm cuối cùng để thực hiện.
Không biết với mẹ con Khiêm, điều đó là may hay rủi?
Nhận được số tiền bồi thường khá lớn, mẹ con Khiêm lặng lẽ dọn đi nơi
khác mà không một lời chào giã từ lối xóm xung quanh.
Một chiều Uyển có việc đi ngang qua lối cũ, nhìn cái nền đất trơ vơ mà
cách đây chưa lâu lắm cô đã từng mơ đó sẽ là tổ ấm của mình, nước mắt
Uyển ứa ra, không phải vì tiếc thương mối tình năm cũ mà là vì Uyển
thấy tội nghiệp cho Khiêm.
Tới ngày cưới, Uyển bất ngờ nhận được một gói quà gửi đến mà không có
tên người gởi.
Tò mò, Uyển không chờ đến khi tan tiệc được, cô len lén vào phòng riêng
mở thử ra xem.
Thật không ngờ, trong gói quà nhìn thoáng qua có vẻ rất đơn sơ đó lại
là một số tiền rất lớn.
Vừa trông thấy xấp tiền, Uyển suýt la lên vì hoảng sợ. Cô không biết
người gởi có âm mưu gì đây chứ chắc chắn không thể có một người nào đi
mừng cưới cô bằng một số tiền to tát như vậy!
Nhưng Uyển đã kịp định thần lại, cô cầm gói quà lên săm soi kỹ lưỡng
thì phát hiện bên hông gói quà có một dòng chữ được ghi bằng bút chì,
mà nét chữ đó hoàn toàn không xa lạ với Uyển!
"Chúc em hạnh phúc. Hãy tha lỗi cho anh. Anh xin được gởi lại cho em
phần nào số tiền em đã giúp anh lúc trước".
Khiêm! Chắc chắn tác giả gói quà bí mật này là Khiêm rồi! Nhưng tại sao
bỗng dưng Khiêm lại trả tiền cho cô? Khiêm hối hận ư? Sao lại hối hận
vào thời điểm này mà không là thời điểm Uyển đau đớn tưởng đã chết đi?
Có chuyện gì xảy ra với Khiêm sao? Lức trước dù vợ chồng Khiêm ly dị,
thấy Khiêm cũng đâu có vẻ gì đau buồn quá mức?
Thật nhiều câu hỏi xoáy trong đầu Uyển nhưng cô không tìm được lời giải
đáp nào cho thỏa đáng.
- Thôi kệ anh ấy, mình quan tâm làm gì nữa! Tiền này trả cho mình thì
mình giữ, thế thôi.
Uyển cố xua đi những ý nghĩ về Khiêm để quay về với ngày vui hạnh phúc
của mình, nhưng cô vẫn không tránh khỏi những lúc thoáng nghĩ tới Khiêm
và thắc mắc không biết điều gì đang xảy đến với anh.
*
* *
Sau đám cưới ba ngày, một đêm Uyển ngủ mơ thấy mình đi đâu đó rồi lạc
vào ngôi nhà của người đàn ông kỳ lạ mà đã có lần cô gặp gỡ tại một nơi
có tên gọi là Cõi hư vô theo lời ông ấy nói.
Quang cảnh vẫn âm u, tranh tối tranh sáng như lần trước, vẫn ngôi nhà
nhỏ vắng tanh không gì thay đổi.
Uyển đi lần vào nhà, miệng khẽ gọi:
- Ông ơi... ông có nhà không?
Vừa dứt tiếng gọi, Uyển thấy từ trong góc nhà lóe lên một tia sáng nhỏ,
giống như ai đó vừa đánh một que diêm. Nhìn kỹ lại, thì ra người đàn
ông ấy, trên bàn tay xương xẩu của ông vẫn là ngọn bạch lạp y như ngày
trước.
- Ông à, ông vẫn còn ở đây sao?
Uyển vội hỏi.
Người đàn ông nhếch môi cười rất nhẹ:
- Cám ơn cô, tôi cũng sắp đi rồi cô ạ!
- Đi? Ông đi đâu?
Uyển ngạc nhiên.
- Tôi đi đầu thai kiếp khác. Chỉ còn hai ngày nữa là kiếp này của tôi
chấm dứt, đến ngày đó thì linh hồn tôi mới được đưa đi đầu thai, tôi sẽ
không còn phải sống cánh vật vờ như bao nhiêu năm qua nữa... Cô ơi, tôi
vui lắm, tôi chờ đợi từng giây, từng phút…
Uyển tò mò nhìn ông:
- Ở nơi này thật sự đáng sợ như thế sao ông? Vậy mà lâu nay tôi cứ nghĩ
ông nói vậy để hù dọa tôi để tôi không nghĩ tới việc tự vẫn nữa…
Người đàn ông nhìn Uyển lắc đầu:
- Không, tôi không hề hù dọa cô! Tất cả những gì tôi nói với cô hôm đó
đều là sự thật. Nếu cô không tin, cô cứ bước ra ngoài và cố im lặng
lắng nghe xem!
Không dằn được sự tò mò, Uyển quay người bước trở ra cửa. Cô đứng dựa
người vào cánh cửa, mắt ngó ra màn đêm dày đặc bên ngoài, hai tai cô
dỏng lên nghe ngóng.
Hoàn toàn im lặng, không một tiếng côn trùng rỉ rả, cũng không một
tiếng gió xạc xào. Những âm thanh quen thuộc mà đôi lúc Uyển cảm thấy
chán ghét vì nó buồn bã quá, nó làm cho Uyển phải thao thức trong đêm
để nhớ về quá khứ.
Nhưng lúc này Uyển mới nhận ra điều đáng sợ không phải là những tiếng
nỉ non sầu thảm của giun dế, mà sự im lặng thế này mới đáng ghê sợ hơn
hết.
Nó làm cho bóng tối càng thêm huyền bí, nó làm đầu óc cô căng lên, căng
lên như sắp vỡ bung ra.
Rồi bỗng dưng, từ trong sự im lặng rùng rợn đó lại vang lên một chuỗi
âm thanh não ruột, nghe thê lương hơn cả tiếng kèn đám tang. Âm thanh
ấy chỉ vẳng đến một cách rất mơ hồ nhưng đủ làm cho Uyển sởn gai ốc.
Cô vội bước giật lùi vào trong, run giọng hỏi:
- Ông... ông ơi... đó là tiếng gì thế?
- Đó là tiếng khóc của những hồn ma. Họ đau khổ, họ khóc ngày khóc
đêm... họ luôn chờ đợi ngày được đi hóa kiếp để trở lại làm người...
Người đàn ông bình thản trả lời.
Uyển sửng sốt:
- Làm người? Sao lạ vậy? Kiếp người của họ đã quá đau khổ, đau khổ tới
mức họ không chịu đựng nổi nên mới phải trốn chạy về đây. Vậy mà họ vẫn
khao khát được làm kiếp con người nữa sao?
Người đàn ông nhìn chằm chằm vào ngọn nến, như không hề quan tâm gì tới
câu hỏi của Uyển, nhưng miệng ông ta lại ôn tồn nói:
- Khi về sống ở đây, họ mới nhìn rõ được những niềm vui, hạnh phúc của
kiếp người mà đáng ra họ cũng đã được hưởng. Nhưng vì không lúc nào con
người chịu bằng lòng với những gì mình đang có trong tay, lúc nào cũng
mong muốn, mơ ước những điều mình chưa có, thậm chí không có được. Họ
cứ mãi ôm ấp nỗi buồn và cuộn mình trong đó mà quên đi những niềm vui
đang ở xung quanh. Ở đây họ mới hối hận cho bản thân mình, nên ai cũng
thiết tha được làm người trở lại, để biết nâng niu gìn giữ từng hạnh
phúc nhỏ nhoi. Nhưng có thể kiếp sau họ sẽ lặp lại những sai lầm của
kiếp này vì khi đầu thai kiếp khác, họ hoàn toàn không nhớ lại được
những cảm giác, suy nghĩ của kiếp đã qua... Cái vòng lẩn quẩn ấy đã làm
nên cuộc đời đấy cô ạ!
Người đàn ông ngừng một chút rồi nói tiếp:
- Cô có cái may mắn hơn chúng tôi là cô đến nơi này khi cô chưa chết,
nên khi trở về với cuộc sống cô sẽ không quên. Vì vậy tôi tha thiết
khuyên cô nên biết trân trọng và gìn giữ sự sống của bản thân mình,
đừng bao giờ có ý nghĩ dại dột như trước đây nữa. Tôi rất mừng vì hiện
nay cô đã có một gia đình hạnh phúc. Và tôi cũng xin tiết lộ với cô một
điều bí mật, là vợ chồng cô sẽ sống với nhau đến tận răng long đầu bạc.
Cả hai người đều có tuổi thọ rất cao. Nhưng...
Thấy người đàn ông ngập ngừng không nói tiếp, Uyển nôn nóng giục:
- Nhưng... điều gì hở ông?
Người đàn ông thở hắt ra một hơi nhẹ rồi nói:
- Nhưng vợ chồng cô hơi hiếm muộn. Nếu muốn gia đình con cái đề huề, cô
nên năng làm điều phúc đức thì có thể phần số của cô sẽ được xoay
chuyển theo hướng tốt hơn.
- Cảm ơn ông, tôi sẽ khắc ghi những lời chỉ dạy của ông. Nhưng... ông
có thể cho tôi biết, tại sao hôm nay tôi lại đến được đây?
Uyển hỏi.
Người đàn ông nhìn cô, khẽ nói:
- Trước khi đi đầu thai, tôi muốn chào từ giã cô nên đã mời cô tới. Vì
dù sao giữa tôi với cô cũng có sự quen biết mà, phải không cô?
Uyển gật.
- Thôi, giờ tôi đưa cô về nhé! Tôi cũng phải chuẩn bị lên đường rồi đây!
Người đàn ông đứng lên có vẻ muốn tiễn khách.
Uyển ngần ngừ:
- Vậy là không bao giờ tôi còn gặp được ông sao?
Người đàn ông bật cười. Đây là lần đầu tiên cô nghe được tiếng của ông:
- Cô còn muốn gặp một hồn ma như tôi sao? Nhưng biết đâu, mai kia tôi
đầu thai làm một ai đó, rồi một hôm nào đó tình cờ tôi và cô lại gặp
nhau... Ở đời có rất nhiều việc không thể nào biết trước được cô ạ! Ví
dụ như người đàn ông đã có lúc làm cho cô đau khổ tột cùng ấy, người ấy
cũng sắp đi đầu thai kiếp khác rồi! Cuộc đời con người cứ vay trả, trả
vay...
Uyển giật nảy mình:
- Ông ơi... ông nói sao? Khiêm... Khiêm sắp chết rồi sao?
- Tôi chỉ có thể thông báo với cô điều đó thôi, không được phép nói
nhiều hơn, mong cô tha lỗi. Thôi, giờ tôi đưa cô về nhé?
Người đàn ông lại giục lần nữa.
Uyển vừa lo sợ, vừa nghĩ ngợi lung tung, cô bước đi bất ngờ vấp chân
vào ngưỡng cửa và ngã sóng soài ra mặt đất.
Lồm cồm ngồi dậy, Uyển bỗng nhận ra ánh sáng chói lòa đang ập vào mắt
mình. Thì ra cô đang ở trong phòng ngủ của mình chứ không phải là ở Cõi
hư vô!
Mình mơ chăng? Hay vừa rồi linh hồn mình đã thoát xác để đến đó chia
tay một người quen?
Uyển hoang mang tự hỏi. Cô không tin việc linh hồn thoát xác cho lắm
nhưng rõ ràng những việc mới xảy ra như giấc mơ còn in dấu rất đậm
trong đầu Uyển, không thể có giấc mơ nào có thể thật đến như vậy!
Uyển liên hệ lại lần trước, thì cô bắt đầu tin vào giả thiết hồn mình
lúc nãy đã lìa xác để đi tới đó!
Trời ơi, nếu vậy thì... Khiêm sắp chết thật rồi sao? Tội nghiệp cho
Khiêm, tội nghiệp cho bà mẹ già của Khiêm nữa... Ông trời ơi, nếu như
Khiêm phải bị báo ứng vì những điều đã gây ra cho con, thì con xin ông
trời hãy tha thứ cho anh ấy, giờ đây con cũng không còn đau khổ nữa,
con cũng không hờn, trách hay oán hận gì anh ấy. Con đã bỏ qua hết rồi!
Đã quên hết rồi. Xin ông trời thương con mà tha cho anh ấy đi, để anh
ấy được sống một cuộc đời bình thường mà lo lắng chăm sóc cho bà mẹ lúc
xế chiều...
Uyển thầm thì van vái.
Bỗng cô nhớ rạ lời nói của người đàn ông lúc nãy, số vợ chồng cô là
hiếm muộn con cái, nếu muốn xoay chuyển cần phải tích đức nhiều hơn
nữa. Uyển nhẩm tính lại từ thuở nhỏ tới lớn, chưa bao giờ cô làm điều
gì ác hay tàn nhẫn với ai, nhưng có lẽ do tiền căn mà kiếp này cô mới
phải gặp những điều trắc trở.
Thôi thì mình cũng ráng sống tốt để trước mắt là mình không bao giờ cảm
thấy hổ thẹn hay cắn rứt lương tâm, thứ hai là nếu thật sự có qui luật
trả - vay của trời đất như người đàn ông kia nói thì coi như cô "để
dành" âm đức của mình cho con cháu, cho kiếp sau...
Mải nghĩ ngợi lan man, Uyển ngủ thiếp đi lúc nào cô cũng không nhớ rõ.
Thời gian trôi qua, mọi chuyện vẫn diễn ra một cách bình thường không
có điều gì đặc biệt. Uyển cũng quên dần những điều trong giấc mơ.
Vợ chồng cô tuy không giàu có gì nhưng nhờ sự vén khéo của Uyển, sự
chăm chỉ siêng năng của cả hai vợ chồng nên cuộc sống dần dần cũng trở
nên sung túc.
Những lúc có điều kiện, Uyển không ngần ngại trong việc giúp đỡ những
người nghèo khó xung quanh, bởi thế, người dân càng thương yêu, quí mến
và kính trọng vợ chồng Uyển.
Mỗi năm, cứ gần đến rằm tháng giêng là những người làm nghề buôn bán ở
chợ và các khu vực lân cận đều rủ rê nhau đi chùa, đi núi để cầu xin
mua may bán đắt, cầu sức khỏe cho cả gia đình. Thường thường thì Uyển
cũng đi cùng với họ. Nhưng năm nay, tự nhiên chồng Uyển có ý muốn rủ
Uyển đi Sài Gòn chơi, đi thăm các ngôi chùa có nuôi dưỡng các trẻ mồ
côi và người tàn tật.
Uyển chạnh lòng nghĩ, chắc do cưới nhau cũng đã khá lâu mà mình vẫn
chưa có con cái gì được nên anh ấy buồn, có ý nghĩ tìm xin con nuôi hay
sao mà muốn đến thăm trẻ mồ côi?
Uyển định hỏi nhưng rồi cuối cùng cô lại im lặng, cũng tốt thôi, đến
những nơi đó cũng là tâm nguyện của Uyển bấy lâu nay.
Gần một ngày trời, hai vợ chồng ghé thăm được ba ngôi chùa, hai nơi
nuôi trẻ mồ côi và một nơi dưỡng lão. Đến đâu Uyển cũng muốn bật khóc
vì nhận thấy những người ở đó sao mà đáng thương quá!
Có tiếp xúc với họ, Uyển mới thấy được mình hạnh phúc đến ngần nào!
Hơn ba giờ chiều, hai vợ chồng định về, nhưng bất ngờ đi ngang một nơi
chồng Uyển lại rẽ vào thăm.
Đó là một ngôi chùa nuôi dưỡng những bệnh nhân Sida không nơi nương
tựa. Những người phục vụ ở đây phần lớn là người tình nguyện, nhưng
cũng có một bộ phận nhỏ là những người mắc căn bệnh thế kỷ ấy nhưng còn
ở giai đoạn chưa bùng phát.
Nhìn những hình hài khẳng khiu xơ xác như chỉ còn lại bộ xương, nhìn
những người bị lở lói khắp cả thân thể, đau đớn mà không còn hơi sức để
than rên, vợ chồng Uyển không khỏi chạnh lòng.
Bỗng dưng Uyển có cảm giác ai đó đang chăm chú nhìn mình từ phía sau
lưng. Cô quay lại bắt gặp một bệnh nhân nằm dãy giường bên kia đang
nhìn cô với ánh mắt thật kỳ lạ!
Ánh mắt thật quen nhưng Uyển chưa thể nhận ra người đó là ai. Nhìn vào
cái cơ thể đang nằm dán chặt xuống giường ấy Uyển càng không thể nhớ
được.
Bởi vì đó chỉ là một bộ xương được bọc trong một lớp da người đầy những
mụn lở loét. Hai bên má hóp lại, hố mắt trũng sâu, nhìn sơ qua trông
giống như một chiếc xương sọ đã được quét lên một lớp sơn mốc meo u tối.
Uyển không chắc người đó là nam hay nữ nữa. Cái đầu bị cạo trọc, tay
chân dài ngoằng như những mẩu xương...
Uyển chưa từng quen biết một ai có hình dạng trông như thế! Chỉ riêng
ánh mắt người đó là thân quen quá đỗi mà thôi!
Uyển nắm tay chồng kéo anh đến bên bệnh nhân đó ân cần hỏi:
- Anh có điều gì muốn nói không? Nếu có thì anh cử nói đi, nếu giúp
được anh thì vợ chồng chúng tôi nhất định sẽ giúp!
Người bệnh như cố thu hết chút sức lực còn lại để khẽ lắc đầu thật nhẹ,
rồi từ từ khép hai hố mắt lại, đẩy ra hai giọt nước mắt long lanh...
Uyển đang do dự không biết phải nói gì để an ủi thì một người đàn bà
mái tóc bạc trắng đang cố lê từng bước chân nặng nhọc đi vào, trên tay
là một chiếc khăn thấm ướt nước.
Vừa trông thấy người đàn bà, Uyển giật mình thảng thốt, người đàn bà
cũng sững sờ khựng lại khi thấy Uyển.
Mấy phút bỡ ngỡ trôi qua nặng nề chưa từng thấy, Uyển òa khóc:
- Bác ơi... bác ơi... chẳng lẽ đây chính là...
Uyển không dám thốt ra hai tiếng "anh Khiêm" cho tròn câu hỏi. Vì cô
rất sợ cái gật đầu xác nhận của mẹ Khiêm! Cô còn cố nuôi một tia hy
vọng rằng đây chỉ là một người bà con xa nào đó của Khiêm thôi, chứ
Khiêm hiện tại vẫn đang rất mạnh khỏe.
Nhưng cái hy vọng mong manh mà Uyển cố tạo ra đã nhanh chóng vỡ tan như
bọt bong bóng xà phòng... Mẹ Khiêm lặng lẽ gật đầu, nước mắt bà thánh
thót rơi xuống nền gạch hoa lạnh lẽo...
Uyển run rẩy bấu chặt tay chồng, lảo đảo suýt ngã. Cô không thể nào ngờ
được người đàn ông cường tráng, trẻ đẹp như Khiêm mới mấy năm đã thay
đổi tới mức đáng sợ như thế này!
Chồng Uyển dìu cô tới ngồi xuống chiếc ghế đặt bên cạnh giường bệnh.
Mẹ Khiêm vừa lấy khăn lau mặt mũi cho con vừa kể trong nước mắt:
- Con Diễm biết thằng Khiêm nhà bác bị Sida nên quyết định ly hôn. Mẹ
con bác đau đớn vô cùng nhưng nghĩ âu đó là sự trừng phạt mà ông trời
dành cho kẻ phản bội nên cũng không dám trách hờn ai.
Bác chỉ hận một điều là mình không thể gánh lấy cái bệnh này thay cho
con trai được...
- Bác ơi, vậy mà lâu nay cháu và dân làng cứ nghĩ bác với anh Khiêm đi
lập nghiệp ở xa đâu đó, đâu có ai ngờ được nông nỗi này...
Uyển thổn thức nói.
Mẹ Khiêm cười buồn:
- Sau khi nhà bị giải tỏa mẹ con bác quyết định ra đi không bao giờ trở
lại nơi đó để tránh đem lại những điều không hay cho những người ít
nhiều có liên hệ với gia đình bác. Thằng Khiêm dành một số lớn tiền đền
bù giải tỏa để gửi lại cho cháu, nó bảo dù có bao nhiêu tiền cũng không
trả hết cho cháu được, nhưng nó trả được một ít như vậy thì lương tâm
nó đỡ bị cắn rứt hơn... Thời gian đầu mẹ con bác tới đây làm người chăm
sóc bệnh nhân để trước mắt là có nơi ăn chốn ở, và sau là chia sẻ được
với những người đồng cảnh ngộ. Thằng Khiêm nó chỉ mới phát bệnh thời
gian gần đây thôi mà đã như thế này rồi đó cháu ơi…
Tiếng khóc nấc nghẹn trong lồng ngực già nua của mẹ Khiêm càng làm cho
Uyển thêm đau đớn. Cô muốn nói thật nhiều những câu động viên an ủi mẹ
con Khiêm nhưng thật sự cô không biết dùng lời lẽ nào cho phù hợp với
hoàn cảnh này nữa…
- Bác ơi... thế Diễm đã biết anh Khiêm bệnh nặng không? Diễm có đưa con
gái tới thăm ảnh không bác?
Mẹ Khiêm chua xót lắc đầu:
- Từ ngày rời khỏi làng, mẹ con bác không hề có mối liên lạc nào với
Diễm nữa, mà nó thì cũng đâu cần quan tâm đến mẹ con bác làm gì. Thằng
Khiêm chỉ là tấm bình phong nó mua về để giữ danh dự vậy thôi... Đứa bé
đó không phải là con của thằng Khiêm nhà bác... Chỉ tại mẹ con bác ham
cái bả giàu sang, phụ tình nghĩa cháu nên giờ mới bị quả báo thế này
đây...
Nước mắt bà rơi lả chả, cái con người - bộ xương - có tên Khiêm kia nằm
im trên giường cũng nước mắt lăn dài.
Uyển nắm chặt tay chồng như muốn được tiếp thêm sức lực. Chồng Uyển
cũng là người tâm lý, anh hiểu rõ hơn lúc nào hết, lúc này Uyển cần anh
bên cạnh để làm chỗ dựa vững chắc cho cô. Anh nắm chặt tay Uyển ra ý
nói với Uyển rằng:
- Không sao đâu, em hãy bình tâm, không có việc gì đâu...
Bất chợt giữa lúc đó Khiêm mở bừng mắt, môi mấp máy như muốn nói một
điều gì đó. Bà mẹ cúi sát xuống kê tai vào lắng nghe. Một lúc sau bà
ngước lên nhìn Uyển, nói như cầu xin:
- Thằng Khiêm nhờ bác chuyển lời tạ lỗi của nó tới cháu. Nó nguyện kiếp
sau sẽ được đầu thai lên làm trâu chó, hoặc làm con của cháu để được
phụng dưỡng cháu sau này... Chỉ xin một điều... trước khi chết, nó muốn
được chính miệng cháu nói lời tha thứ cho nó...
Nước mắt Uyển tràn ra, Uyển nấc lên không nói được gì. Mãi một lúc sau
cô mới cố dằn lại được. Uyển rời ghế đứng lên, tiến sát tới giường bệnh
đặt nhẹ bàn tay mình lên bàn tay chỉ còn là mấy que xương đen đúa, cô
nói:
- Anh Khiêm, anh an lòng đi! Đã từ lâu rồi em không còn giận hờn hay
oán trách gì anh nữa, cho nên bây giờ em không thể nói với anh lời tha
thứ được. Anh đừng lo, có lẽ tại chúng ta không có duyên nợ, với lại
chắc kiếp trước em cũng làm gì đó với anh... Thôi, tất cả những điều đó
đã là quá khứ, em quên hết rồi và anh cũng đừng nhớ nữa. Anh hãy yên
lòng đi nhé, em không hờn giận anh đâu!
Những que xương rục rịch cử động như muốn co vào để nắm lấy tay Uyển
nhưng chủ nhân nó đã không còn đủ sức để thực hiện cái động tác nhỏ
nhoi đơn giản ấy nữa rồi.
Khiêm nhìn thẳng vào Uyển bằng tia nhìn lấp lánh rồi từ từ khép mắt
lại, hai dòng nước mắt chảy dài cùng lúc với một hơi thở ào ra rất nhẹ.
Mấy ngón tay chưa kịp co vào được giờ đã duỗi ra, hoàn toàn vô cảm.
Khiêm đã trút hơi thớ cuối cùng thật nhẹ nhàng thanh thoát.
Người mẹ khóc nấc lên từng cơn, Uyển tựa vào vai chồng thổn thức...
Chiều hôm đó vợ chồng Uyển không về quê như dự định được mà phải ở lại
với mẹ Khiêm vì hai người không nỡ bỏ bà lại một mình. Đồng thời hai vợ
chồng cũng muốn hồn Khiêm không quá lẻ loi cô độc khi lìa đời mà bên
cạnh chỉ có mỗi một người mẹ già yếu cô đơn!
Hai ngày sau, khi hài cốt cửa Khiêm đã được đưa trở về chùa để thờ
cúng, chồng Uyển gợi ý đưa mẹ Khiêm về sống với vợ chồng Uyển.
Bà mỉm cười rưng rưng:
- Bác rất xúc động và cảm ơn hai cháu, nhưng thật sự bác không thể quay
về đó nữa... Bác không còn mặt mũi... Với lại, bác muốn ở đây để sớm
hôm bầu bạn với thằng Khiêm cho vong linh nó đỡ tủi. Hai cháu đừng lo
cho bác, bác sống ở chùa này nhiều năm rồi, giờ nó cũng như nhà của bác
vậy, không có gì phải lo đâu các cháu ạ!
Vợ chồng Uyển đành trở về nhà với cõi lòng nặng trĩu.
Mới hay cuộc đời không ai có thể biết trước ngày mai của mình sẽ ra
sao...
Một tháng sau, Uyển thấy trong người khang khác nên đi khám bệnh.
Sau khi làm các xét nghiệm, cô bác sĩ nhìn Uyển cười cười:
- Chúc mừng chị nha, chị sắp có em bé rồi đó!
Uyển đang ngồi trên ghế, nghe mấy lời đó mừng đến nỗi muốn nhảy cẫng
lên reo hò sung sướng, vì lần khám trước đây cũng chính vị bác sĩ này
bảo Uyển rất khó có khả năng thụ thai được!
- Bác sĩ ơi... em có thai thật sao?
Hiểu rõ được lòng Uyển, cô bác sĩ vỗ nhè nhẹ lên tay Uyển.
- Thật rồi, một tháng rồi đấy! Tình trạng phát triển của cả mẹ và con
đều rất tốt. Tôi xin chúc mừng chị! Trường hợp như chị mà thụ thai được
là hiếm lắm đó.
Từ ngày biết Uyển mang thai, cả hai vợ chồng mừng vui khôn xiết.
Thỉnh thoảng hai người không quên đi thăm mẹ Khiêm, cả hai không ai bảo
ai nhưng họ đều coi đó là trách nhiệm của mình rồi!
Nhiều năm trôi qua, đứa con trai của Uyển ăn học thành tài, và trở
thành một doanh nhân có tên tuổi trong giới đầu tư giao dịch với nước
ngoài. Đi tới đâu anh cũng được người ta yêu mến và kính phục, vì ngoài
tài giỏi ra anh còn là một người hết lòng với công tác xã hội, yêu kính
mẹ cha, thảo hiếu vô ngần.
Những người dân sống gần đó luôn ngưỡng mộ và khao khát được như vợ
chồng Uyển. Họ đương nhiên có một cuộc sống yên vui, hạnh phúc cho đến
già.
Hết.
[trang
1] [trang
2] [trang
3]