NGÀY
THỨ HAI
Quả nhiên, đến đêm ngày thứ hai, hòm thư điện tử của tội
nhận được thư trả lời của đối phương.
“Chào anh: Tôi đã nói anh có thể không trả lời thư. Nhưng dù sao thì
anh cũng đã thừa nhận miệng giếng đó tồn tại, vậy tại sao trong tiểu
thuyết lại sót mất nó? Còn về việc tại sao tôi lại biết về miệng giếng
đó, xin lỗi, tôi không thể trả lời anh câu hỏi này. Thẳng thắn mà nói,
sau khi xem xong truyện ngắn “Hoang thôn” của anh, tôi có một cảm giác,
nếu như anh không cố ý giấu giếm điều gì đó, thì anh căn bản vẫn chưa
tới Hoang thôn. Bởi vì những chỗ sai sót trong truyện ngắn này của anh
quá nhiều, đợi tới khi nào tôi nhớ ra, tôi sẽ chỉ ra cho anh thấy từng
chỗ một. Nếu như tôi vẫn chưa nghĩ ra, thì coi như anh gặp may. Nói cho
tôi biết, anh có phải thật sự đến Hoang thôn rồi không?”
Cuối thư không hề có tung tích, nhìn những câu chữ hùng hổ hăm dọa
trong email, tôi thực sự không thể tưởng tượng ra nổi hình dạng của đối
phương.
Sau những giây phút do dự, tôi đã trả lời thư.
“Xin chào:
Bạn là ai? Tôi cảm thấy sự trao đổi của chúng ta hiện nay giống hệt như
trẻ con đang chơi trốn tìm trong một căn phòng lớn, cả hai người đều
tin rằng đối phương không thể đoán được chỗ ở của mình, còn bản thân
mình lại có thể đoán chính xác nơi ẩn náu của đối phương ở đâu. Nói lại
lần nữa, "Hoang thôn" chỉ là một truyện ngắn hơn hai vạn chữ mà thôi.
Truyện là gì? Tôi cảm thấy truyện là mộng, tất cả các truyện đều là lời
nói trong mơ của các nhà văn. Và bất luận là mộng đẹp hay ác mộng, bất
luận giấc mộng đó xem ra có chân thực đến mức nào thì giữa mơ và cuộc
sống hiện thực của chúng ta cũng có khoảng cách, thế nên chúng ta mới
thích nằm mơ, mới thích tiểu thuyết. Được rồi, bất luận bạn có tin hay
không, thực tế là tôi đã tới Hoang thôn. Nhưng Hoang thôn trong truyện
với Hoang thôn trong hiện thực là hai thế giới hoàn toàn khác nhau, nếu
không thì cũng không gọi đấy là truyện rồi. Cuối cùng, tôi có một đề
nghị nho nhỏ, bạn có thể lưu lại tung tích của mình không?”
Sau khi thư trả lời được gửi đi, tôi tiện tay tắt máy tính, ngồi suy tư
rất lâu trên ghế.
Kể từ khi truyện ngắn "Hoang thôn" được đăng trên tạp chí “Chồi non”,
đầu óc tôi luôn hỗn loạn. Kỳ lạ, tại sao đến giờ vẫn mãi chưa nhớ ra
được, mấy tháng trước lúc tôi quyết định viết truyện ngắn này, tôi đã
nghĩ gì. Ký ức trong phút chốc vỡ vụn, làm thế nào cũng không thể ghép
lại được. Tôi dốc hết sức lực lục lại ký ức cho tới khi nhớ lại buổi
chiều đông giá rét đó.
Đúng vậy, tôi còn nhớ hôm đó nghe nói là sắp có tuyết rơi, ngẩng mặt
nhìn lên trời, chờ đợi những bông tuyết tung bay. Xung quanh toàn là
tiếng người cười nói ồn ào, lại còn phảng phát một mùi xưa cũ hư hại
không biết là từ mấy trăm năm trước. Đúng rồi, hôm đó tôi đã đến chợ
sách cũ, đứng giữa lối đi trong chợ, hai bên toàn là những sạp thu mua
sách cũ.
Kể với các bạn nhé, tôi từ trước đến nay rất thích sưu tập sách, đặc
biệt là những bộ sách cổ, không thể nói là sưu tập để đầu tư, mà đơn
thuần chỉ là yêu thích cổ vật mà thôi, nói một cách hay ho thì được coi
là “cứu vớt di sản văn hóa”.
Tuyết vẫn chưa buồn rơi, tôi cúi đầu đi sang bên cạnh, dừng lại trước
một sạp chuyên bán cổ phiên bản gốc. Trong một chồng sách cổ dày cộp,
có một quyển sách cũ tên là “Cổ gương u hồn ký”. Tên cuốn sách độc đáo
đó lập tức thu hút tôi lật từng chương của nó ra.
Tác giả lấy bút danh là “Hoang thôn cuồng khách”. Được xuất bản từ đời
Càn Long năm 43 tại nhà sách Cô Sơn Hàng Châu. Những trang trong sách
vẫn còn có mấy dấu sưu tập, trừ trang sách bị ố vàng ra, không có bất
cứ vết tích rách nát hay bị mối một nào, bìa và đáy sách cũng khá hoàn
chỉnh. Đời Càn Long năm 43 tới nay cũng đã hơn hai trăm năm vậy mà
quyển sách này có thể bảo tồn như thế này quả thật rất ổn.
Chủ sạp ra giá rất đắt, ông ta coi quyển sách này đúng là cổ vật rồi,
thực tế cứ cho là bán đấu giá đi chăng nữa thì cũng chỉ đáng mấy trăm
tệ mà thôi. Nhưng quyển sách này quả thực rất ổn, không chỉ bảo tồn
hoàn chỉnh, quan trọng hơn là chữ nghĩa bên trong, tôi vừa dở được vài
trang là đã có một cảm giác rất đặc biệt.
Đang trong lúc do dự vì quyển sách này, một hạt ươn ướt bỗng nhiên rơi
vào lòng bàn tay tôi rồi từ từ tan thành nước.
Là bông tuyết! Tôi kinh ngạc ngẩng đầu lên, quả nhiên tuyết đang rơi
trong không trung. Tôi không thể kìm nén được sự kích động trong lòng,
nhân cơ hội bỗng chốc vui mừng sảng khoái tôi liền rút tiền ra trả cho
chủ sạp rồi phấn khởi đem quyển “Cổ gương u hồn ký” vồn không chủ định
mua mang về nhà.
Khi về đến nhà thì tuyết đã ngừng rơi. Tuy vẫn còn xót tiền nhưng ít ra
tôi cũng là chủ nhân mới của quyển sách cổ này. Tôi rất nhẫn nại đợi
đến buổi tối, trong phòng chỉ mở một chiếc đèn vàng nhỏ giống như cổ
nhân trước đây thường đốt nến. Và rồi, tôi cung kính mở quyển “Cổ gương
u hồn ký” ra.
Hóa ra đây là quyển sách thể loại nhật ký, phân thành mấy chục truyện
ngắn, không phân biệt được là tiểu thuyết hay sản văn, trong đó hầu hết
ghi chép lại những giai thoại khắp vùng Chiết Giang, cảm giác phong
cách có chút giống “Duyệt vị thảo đường bút ký” của Kỉ Hiểu Lam.
Trang đầu tiên trên sách ghi là “Cổ gương u hồn ký”, nói về một người
con gái triều Minh sau khi chết oan, oan hồn ở lại trong gương cổ không
siêu thoát, người đời sau soi gương có thể nhìn thấy khuôn mặt lòe loẹt
của cô gái năm nào.
Câu chuyện này khiến tôi hít phải một hơi buốt lạnh, càng khiếp sợ ở
chỗ còn có cả tranh chân dung minh họa: trong một gian phòng có tấm
gương đồng cổ, tuy trước gương không có bất cứ ai nhưng trong gương lại
hiện lên hình một cô gái đang chải tóc.
Chữ viết theo hàng dọc xem ra đọc rất mỏi mắt, tôi tốn khá nhiều thời
gian mới đọc hết được trăng đầu tiên. Nhưng không thể dừng lại được
nữa, dưới ánh đèn leo lắt, tôi đọc từng trang từng trang, hoàn toàn
chìm đắm trong thế giới kỳ dị do “Hoang thôn cuồng khách” thêu dệt nên,
đọc một mạch cho đến chương cuối cùng “Đàm đạo quái dị về Hoang thôn”.
Câu chuyện cuối cùng vô cùng độc đáo, kể về một thư sinh người Phúc
Kiến đến Bắc Kinh dự thi, mùa đông năm đó vùng núi phía đông Chiết
Giang tuyết rơi rất to, đường đi bị tuyết phù dày hiếm thấy, thư sinh
không may đi lạc đường, đến một nơi bên bờ biển gọi là "Hoang thôn".
Lúc này, thư sinh vừa đói vừa rét, anh đi vào một ngôi nhà to nhất
trong Hoang thôn. Chủ nhà tự xưng là “Hoang thôn cuồng khách”, vốn là
một người đàn ông trung niên ngoài 40 tuổi. Chủ nhân thân thiện bất ngờ
với thư sinh, sắp xếp cho anh một bàn tiệc thịnh soạn và một căn phòng
rộng rãi thoải mái.
Hoang thôn tối hôm đó tuyết bay trắng trời, trong căn nhà cổ, thư sinh
đang đàm đạo cùng chủ nhả thì bóng một phụ nữ bỗng lướt qua cửa. Thư
sinh kinh ngạc bước ra ngoài, chẳng có ai cả. Sau đó, thư sinh cũng về
phòng đi ngủ.
Nửa đêm, âm thanh kỳ dị đã khiến thư sinh bị tỉnh dậy. Anh lần theo âm
thanh đó đi đến cửa phòng bên cạnh rồi dùng nước bọt chọc rách cửa sổ
giấy thì phát hiện ra một cô gái xinh đẹp đang chải tóc trong phòng.
Chàng thư sinh vô cùng kinh ngạc, từ bé tới lớn anh chưa từng gặp một
cô gái nào xinh đẹp nõn nà như vậy. Không kìm chế được mình, anh nhẹ
nhàng đi vào phòng cô gái.
Cô gái tỏ ra không hề ngạc nhiên mà con tiếp đãi chàng trai uống trà.
Thư sinh đứng trước mỹ nhân, tâm trạng bỗng rối bời rồi biểu lộ tình
cảm của mình với người đẹp, anh còn nói mình chưa cưới vợ. Mỹ nữ không
hề cự tuyệt, nói rằng mình vừa nghe lỏm câu chuyện của thư sinh và chủ
nhà, cô tự cảm nhận thư sinh là một nhân tài của đất nước và âm thầm
hết lòng ngưỡng mộ anh. Thư sinh vô cùng mừng rỡ, đêm đó cô gái đã chăm
sóc anh trong phòng.
Hôm sau tỉnh dậy, thư sinh phát hiện mỹ nhân đã đi đâu từ sớm, đến cả
chủ nhân của ngôi nhà cũng không thấy tung tích. Lúc này tuyết cũng đã
ngừng rơi, thư sinh chẳng còn cách nào khác đành phải rời khỏi Hoang
thôn.
Khi thư sinh đi đến thị trấn Tây Lãnh cách Hoang thôn khoảng mấy chục
dặm, anh liền đứng lại trước một cái ao vẫn chưa đóng băng.
Á! Thư sinh hét lên một tiếng, hóa ra anh nhìn thấy bóng mình đang soi
rọi dưới mặt ao, hình dạng vô cùng đáng sợ, khuôn mặt hoàn toàn không
có sắc máu, trông giống như một xác chết.
Thư sinh sợ hãi đến nỗi hồn xiêu phách lạc, kế tiếp là phát hiện ra
trên cổ mình có một vết thương nhỏ, giống như bị dơi cắn. Anh vội vàng
lấy dao rạch lên da của mình, không một giọt máu nào chảy ra.
Hóa ra máu của anh đã bị hút sạch.
Đến khi thư sinh hiểu ra mọi chuyện thì đã ngừng thở, ngã nhào ra đất
mà chết.
Sau đó, người dân thị trấn Tây Lãnh đi qua chiếc ao ai ai cũng phát
hiện ra một thanh niên dáng vẻ thư sinh đang nằm ven đường cơ thể anh
đã biến thành xác khô.
Câu chuyện này tới đây là kết thúc, ở trang cuối cùng còn có một bức
tranh minh họa vẽ một thư sinh trẻ tuổi nằm bên giường, trên cổ có vết
thương nhỏ còn mỹ nữ tuyệt sắc giai nhân kia đang ngồi cạnh anh ta,
khóe miệng dường như vẫn còn cả vệt máu tươi.
Đột nhiên, tôi cảm thấy trang cuối cùng hình như biến thành có màu sắc,
vệt máu trên khóe miệng cô gái đỏ rực, dường như muốn chảy ra từ trang
sách đó. Tôi vội vàng gập sách lại, lạnh toát sống lưng.
Đã tờ mờ sáng rồi, rút cuộc cũng đã đọc xong cuốn kỳ thư mang tên “Cổ
gương u hồn ký”. Để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất, dĩ nhiên là
trang cuối cùng “Đàm đạo quái dị về Hoang thôn”.
Đáng sợ nhất chính là tác giả “Hoang thôn cuồng khách” của quyển truyện
này cuối cùng lại xuất hiện trong câu chuyện “Đàm đạo quái dị về Hoang
thôn”, hơn nữa lại là chủ nhân của ngôi nhà khủng khiếp đó. Không biết
câu chuyện trong quyển nhất ký này thật giả thế nào, càng không biết
cái vị “Hoang thôn cuồng khách” này là thần thánh phương nào, nhưng chỉ
cái tên của anh ta đã khiến tôi cảm thấy không kém cạnh gì “Liêu trai
chí dị” của Bồ Tùng Linh.
Đương nhiên, vị “Hoang thôn cuồng khách” này đến từ Hoang thôn, vậy thì
Hoang thôn có thật sự tồn tại không?
Chính trong giây phút đó, tôi quyết tâm nhất định phải tìm được Hoang
thôn.
Quyển sách “Cổ gương u hồn ký” vẫn nằm trong ngăn kéo của tôi. Tôi
không dám đọc lại nó, chỉ hy vọng có thể dần dần quên nó đi. Bây giờ
nghĩ lại, nếu như hôm đó tôi không tới chợ sách cũ, nếu như không phát
hiện ra cuốn nhật ký kỳ dị của vị “Hoang thôn cuồng khách” này, thì sau
này có thể có những việc không thể lí giải nổi, hay là có thể làm thay
đổi vận mệnh của biết bao nhiêu con người như vậy không?
Có lẽ, nhân sinh chính là do vô số những “xác suất” tạo thành.
[trang
1] [trang
2] [trang
3] [trang
4] [trang
5]